Vương vấn trái cây Ia Chim

Một lần thưởng thức sầu riêng, bơ, mít… của một nhà vườn ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), tôi cứ vương vấn mãi. Như là duyên nợ buộc tôi trở lại. Và lần này, cây trái từ các nhà vườn ở xã Ia Chim để lại trong tôi những ấn tượng khó quên cùng dự cảm tốt lành về vùng chuyên canh cây ăn quả. Trở lại xã Ia Chim lần này, tôi được lãnh đạo UBND xã tạo điều kiện và giới thiệu nhiều hộ trồng cây ăn quả có tiếng. Lướt qua danh sách các hộ trồng cây ăn quả theo hướng an toàn, tôi được anh Lê Thành Đông – cán bộ phụ trách địa chính xã dẫn đến một số nhà vườn. Vừa bước vào đầu cổng vườn cây của chị Vũ Thị Xuân (thôn Klâu Ngol), tôi nghe mùi sầu riêng ngào ngạt. Nhìn vườn cây của chị Vũ Thị Xuân, tôi như bị thôi miên. Vườn sầu riêng xanh tốt được đầu tư bằng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, trái treo đầy cành. Thấy tôi mải mê ngắm vườn sầu riêng, chị Vũ Thị Xuân xoa tay nuối tiếc: Nhà báo vào hơi chậm! Gia đình bán cho thương lái mấy lứa rồi, vì vậy trên cành quả không còn nhiều. Sầu riêng này là sầu riêng RI 6 (Việt Nam) và Monthong (Thái Lan) hạt lép, ruột đỏ, thơm ngon. Chị Xuân bảo, vườn nhà rộng 4,7 ha, trong đó cây trồng chính là sầu riêng (600 cây) và xen canh thêm một số cây ăn quả khác như cam, quýt, măng cụt, chôm chôm. Trong 600 cây sầu riêng, có 100 cây đã cho thu hoạch mấy năm. Do tác động của dịch Covid-19, năm nay, giá sầu riêng giảm so với năm ngoái, sầu riêng Monthong chỉ còn 55 nghìn đồng/kg và RI 6 còn 40 nghìn đồng/kg.

Vườn bơ của ông Khánh Ảnh: V.N

“Sầu riêng năm nay mất mùa, mất giá. Mặc dù vậy, so với các loại cây ăn quả khác, sầu riêng là loại cây trồng chi phí đầu tư thấp, nhưng lãi cao. Tổng doanh thu của vườn nhà năm ngoái 900 triệu đồng, lãi 600 triệu đồng; năm nay thu 700 triệu đồng, lãi 500 triệu đồng”- chị Xuân chia sẻ. Là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và thương mại – dịch vụ Ia Chim, đồng thời ý thức được việc bảo vệ sức khỏe cho gia đình và người tiêu dùng, chị Xuân áp dụng những tiến bộ khoa học vào trồng các loại cây ăn quả theo hướng an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh; dùng chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, hạn chế tối đa việc dùng thuốc có nguồn gốc hóa học. Đến thôn Tân An, tôi vào vườn cây ăn quả của bà Vũ Thị Liêm. Vườn cây ăn quả rộng 4 ha. Nguyên trước đây, gia đình bà trồng cà phê, khi vườn cà phê già cỗi, gia đình bà trồng xen cây ăn quả. Sau khi sầu riêng và các loại cây ăn quả khác phát tán rộng, bà phá bỏ cà phê. Hiện tại, trong vườn có 2,5 ha sầu riêng kiến thiết cơ bản, 1,2 ha sầu riêng đi vào kinh doanh, diện tích còn lại là các cây ăn quả khác và ao cá. Vườn cây ăn quả được bà Liêm đầu tư thâm canh theo hướng hữu cơ. Cây trồng xanh tốt và cho quả nhiều. Không tính các loại cây ăn quả khác, năm ngoái, chỉ 1,2 ha sầu riêng đi vào kinh doanh, bà Liêm thu 1 tỷ đồng, lãi hơn 800 triệu đồng. Năm nay, do tác động của dịch Covid- 19, sầu riêng hạ giá hơn, nhưng bà vẫn thu 700 triệu đồng và lãi 550 triệu đồng. Trong vườn nhà bà Liêm, các loại cây ăn quả khác như cam, bưởi, chôm chôm… cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo bà Liêm, sầu riêng là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, nên một đối tác ở tỉnh Bến Tre đã ký hợp đồng thu mua ổn định và có giá cao hơn thị trường trong tỉnh.

Sầu riêng trong vườn chị Vũ Thị Xuân. Ảnh: V.N

Cũng ở thôn Tân An, tôi đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Ngô Nhật Khánh. Nhận ra tôi là người quen, ông Khánh xởi lởi giới thiệu: Ngày trước, đây là vườn cao su được trồng theo Chương trình 327. Sau một thời gian khai thác và hết chu kỳ kinh doanh, năng suất cao su thấp, gia đình chuyển sang trồng cây ăn quả. Diện tích các loại cây ăn quả trong vườn gồm: Hơn 1 ha mít Thái, 1 ha sầu riêng (giống Monthong), hơn 1 ha bơ sáp, bơ bút… Các loại cây ăn quả như mít, bơ, ổi trong vườn đang bước vào kinh doanh. Không tính nguồn thu từ các loại cây trồng khác, từ đầu năm đến nay, gia đình thu trên 100 triệu đồng từ tiền bán mít Thái. Là đảng viên và từng là cán bộ lãnh đạo xã (nay đã nghỉ hưu), ông Khánh ý thức được việc phát triển cây ăn quả theo mô hình an toàn, VietGAP để bảo vệ sức khỏe gia đình, người tiêu dùng. Chịu khó học kỹ thuật và chắt lọc kinh nghiệm từ thực tế, chỉ riêng việc chăm sóc mít Thái thôi, ông nói mãi vẫn không hết chuyện. Theo ông Khánh, muốn quả mít đẹp, múi đều và ngon, người làm vườn phải biết “nuôi” quả mít trên bộ phận nào của cây, quả nào cần loại bỏ ngay từ đầu, quả nào cần để lại; cành nào cần cắt tỉa, cành nào cần giữ lại… để cây mít cho hiệu quả kinh tế cao nhất. “Nếu quả mít ra ở cành nhánh nhỏ hay trái cong queo thì ta phải loại bỏ ngay từ đầu. Trong việc chọn lọc quả, người làm vườn giữ lại những quả không cong queo ở thân và cành lớn. Bởi nếu để quả phát triển ở cành nhỏ, khi lớn sẽ dễ làm gãy cành, ảnh hưởng đến cây; nếu để lại quả cong queo sẽ chậm lớn, xơ nhiều, khách hàng chê, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ. Để lại quả mít nào, phải bọc lại bằng bao lưới để ruồi, ong không đục làm ảnh hưởng đến chất lượng quả”- ông Khánh chia sẻ kinh nghiệm. Quan sát trong vườn mít, tôi nhận thấy có nhiều tấm nhỏ bằng nhựa treo trên cành. Ông Khánh cho hay đó là những dụng cụ nhử diệt côn trùng phá hoại quả. Các dụng cụ này có thể diệt ruồi, côn trùng mà không phải phun thuốc hóa học, nên không ảnh hưởng sức khỏe người làm vườn và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất trái cây an toàn. Theo ông Nguyễn Quốc Hưng – Chủ tịch UBND xã Ia Chim, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, trong những năm gần đây, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã trên địa bàn đang mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, an toàn. Đồng thời, thực hiện chủ trương của UBND thành phố, UBND xã Ia Chim đề xuất với các hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên canh cây ăn quả ở địa phương phối hợp với Tập đoàn TH trồng trên 400 ha cây ăn quả ở các vùng thiếu nước và cải tạo lại các vườn tạp ở khu dân cư. Tập đoàn TH là một tập đoàn lớn, có tiềm lực khoa học kỹ thuật phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nếu các hợp tác xã, tổ hợp tác ở đây phối hợp với Tập đoàn TH trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao thì nhất định sẽ nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu trái cây ở địa phương. Và khi ấy, thương hiệu trái cây Ia Chim sẽ có điều kiện vươn xa. Theo UBND xã Ia Chim, tính đến nay, trên địa bàn xã phát triển 129,5 ha cây ăn quả. Các loại cây ăn quả (sầu riêng, mít, bơ…) được trồng nhiều ở thôn Tân An, Tân Hưng, Nghĩa An, Klâu Ngol, Plei Bur, Plei Lay.

Văn Nhiên