Sầu riêng phát triển ‘nóng’ có đáng lo?

Từ ĐBSCL sang miền Đông Nam bộ đến Tây nguyên, diện tích trồng sầu riêng đều “tăng nóng”. Đến mức Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phải ra văn bản cảnh báo. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nông dân rất năng động, điều họ cần là được hỗ trợ để chủ động và tự tin phát triển kinh tế.
Từ sau tết đến nay, sầu riêng vụ nghịch tại vườn ở các tỉnh miền Tây luôn ở mức cao. Sầu riêng Thái loại 1 khoảng 160.000 đồng/kg, loại 2 là 140.000 đồng; sầu riêng Ri 6 tương ứng từ 120.000 – 100.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục, gấp 2 – 3 lần so với giá trung bình các năm trước. Chưa kể nhiều loại trái cây khác giá trị kinh tế thấp lại không xuất khẩu được nên rớt giá thê thảm. Bối cảnh đó càng khiến nhiều nông dân mạnh dạn chuyển sang trồng sầu riêng.

Mới chỉ 5% diện tích được Trung Quốc cấp mã vùng trồng
Trước cơn sốt giá sầu riêng, anh Nguyễn Văn Hậu ở Phong Điền (Cần Thơ) đang cân nhắc có nên chuyển đổi 5 công đất vườn cam quýt sang trồng sầu riêng hay không? Anh Hậu bảo giá sầu riêng trước giờ thấp nhất cũng 40.000 – 50.000 đồng/kg nên luôn được xem là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao. Ngược lại, cây sầu riêng rất khó trồng, thời gian từ lúc trồng tới lúc cho thu hoạch cũng mất 4 năm chăm sóc, qua năm thứ năm mới có thành quả. Trong quãng thời gian này có thể xảy ra những rủi ro bất ngờ. Còn giữ các loại cây ngắn ngày thì giá bấp bênh, loay hoay chờ “giải cứu”.

“Thấy nhiều người chuyển sang trồng sầu riêng tôi cũng sốt ruột. Nhưng thấy chuyên gia rồi cơ quan chức năng cảnh báo trên báo đài thì cũng rất lo, chưa biết tính sao cho trọn vẹn”, anh Hậu băn khoăn.

Nông dân nhiều tỉnh đang mở rộng diện tích trồng sầu riêng

Nhưng rất nhiều người không có thời gian để tính toán khi giá sầu riêng đang tăng từng ngày. Họ ào ào chặt các loại hoa màu khác để chuyển đổi sang sầu riêng. Theo ước tính đến hết năm 2022, diện tích trồng sầu riêng khoảng 110.000 ha, vượt xa so với định hướng phát triển khoảng 65.000 – 75.000 ha đến năm 2025.

Cục Trồng trọt cảnh báo diện tích cây sầu riêng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát, người dân trồng theo phong trào, không theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu. Nghiêm trọng nhất, sầu riêng được trồng ở những khu vực không phù hợp như đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, không chủ động được nước tưới sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng của VN.

“Điều quan trọng hơn nữa là tăng cường hỗ trợ thông tin về kỹ thuật sản xuất, thời tiết và đặc biệt là thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, vốn…

TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ

Vừa đi công tác ở Kon Tum về, TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, còn chưa hết ngạc nhiên khi “ở tận trên đó, người ta cũng đi trồng sầu riêng”. Rồi một số vùng đất phèn như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên cũng mở rộng diện tích. Ông lo lắng: Chúng ta trồng sầu riêng để xuất khẩu đi thị trường chính là Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chỉ cấp phép mã số vùng trồng sầu riêng chiếm 5% diện tích của chúng ta. Mới đây, họ cấp phép thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói (chưa có thông tin diện tích). Nhưng tổng diện tích được cấp phép vẫn còn rất nhỏ so với tổng diện tích trồng chúng ta đang có. Mã số vùng trồng lại gắn với diện tích sản lượng nên phần chưa có mã số cũng rất khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bây giờ bà con nông dân đổ xô đi trồng bất chấp điều kiện tự nhiên, thông tin thị trường thì 4 – 5 năm sau sẽ ra sao là điều rất khó nói.

Bên cạnh đó, theo TS Võ Hữu Thoại, chi phí đầu tư cho một cây sầu riêng từ nhỏ đến lúc thu hoạch phải mất khoảng 7 triệu đồng. Nếu không có giống tốt, kỹ thuật canh tác, tài chính để chăm sóc thì sẽ không đạt năng suất chất lượng. Ngoài ra, để xuất khẩu được thì cần tổ chức sản xuất, có doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu nhưng sẽ rất khó để tìm kiếm doanh nghiệp tham gia đồng hành mà không thu lại hiệu quả kinh tế trong suốt 4 – 5 năm. “Chúng tôi thấy trước tương lai nhiều khó khăn nên ra sức tuyên truyền, khuyến cáo, hy vọng bà con cân nhắc cẩn thận trước khi chạy theo sản xuất theo phong trào”, TS Thoại khuyến cáo.

“Nông dân dám chấp nhận cuộc chơi”
Có cả đời gắn bó với vùng đất ĐBSCL, TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ, đặt vấn đề: “Câu chuyện trồng – chặt, chặt – trồng không phải bây giờ mới có nhưng mấy chục năm chưa được giải quyết. Nếu nhìn ở góc độ như vậy, liệu chúng ta có cần xem lại cách đang tư duy. Ví dụ trước đây ngành cá tra hay thanh long cũng rất hay rộ lên thông tin giá giảm do nuôi trồng vượt quy hoạch nhiều lần, nhưng kết quả thế nào? Thanh long từ Bình Thuận phát triển tới tận Long An rồi Tiền Giang. Như vậy, liệu có cái gì “sai sai” ở đây hay không?”.

“Theo tôi đó là cái sai về tư duy làm quy hoạch và thị trường. Chúng ta làm quy hoạch dựa trên điều kiện tự nhiên và đất đai cũng như số liệu cũ không còn phù hợp. Nên khi thực tế bên ngoài phát triển khác đi thì chúng ta lo sợ. Cái thứ hai là thị trường thật ra rất phong phú và đa dạng nhưng chúng ta có rất ít thông tin và hiểu biết về khách hàng, nhất là thị trường Trung Quốc. Quy hoạch dựa trên những nền tảng mù mờ như thế nên chúng ta càng sợ”, ông Dũng nói.

Kể lại việc mới có bài trình bày về tính chu kỳ của ngành cá tra, ông Dũng dẫn chứng: Một nông dân ở Đồng Tháp cho biết đã theo nghề này hơn chục năm. Bằng kinh nghiệm của mình, anh nông dân này cho biết tính chu kỳ của ngành này là đúng và họ phải dựa vào kinh nghiệm để phán đoán. Trước đây, các nhà vườn ở Bến Tre cũng thừa nhận thị trường có lúc lên lúc xuống nhưng nếu theo dõi sát và khai thác uyển chuyển sẽ có lãi nhiều còn không thì cũng vẫn lãi ít.
“Tôi muốn đề cập đến những người nông dân nói trên để chứng minh rằng bà con nông dân họ hiểu hết những rủi ro từ quyết định của mình. Họ cũng thấy và học được rất nhiều bài học từ việc trồng – chặt. Sầu riêng rồi cũng có lúc sẽ giảm giá. Đó là quy luật thị trường. Các ngành sản xuất công nghiệp cũng thế, không riêng gì nông nghiệp. Cái đáng quý ở đây là tinh thần không cam chịu đói nghèo, thích ứng nhanh với các hoàn cảnh mới của xã hội, thị trường. Họ chấp nhận cuộc chơi, có được có mất mà không trông chờ ỷ lại. Nhờ có tinh thần đó mà người nông dân đã giúp nền kinh tế của chúng ta ngày nay có nhiều ngành hàng xuất khẩu tỉ USD”, TS Dũng bày tỏ.

Quan trọng lúc này theo ông Dũng, là có thể hỗ trợ gì cho bà con nông dân trong “cuộc chơi” này. “Đầu tiên là chúng ta không làm quy hoạch một chiều theo tư duy cũ. Về mặt chính sách chúng ta có thể phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng (cầu, đường) logistics để nông dân tiếp cận thị trường tốt hơn. Bên cạnh đó là hậu cần sản xuất như giống, vật tư nông nghiệp. Điều quan trọng hơn nữa là tăng cường hỗ trợ thông tin về kỹ thuật sản xuất, thời tiết và đặc biệt là thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, vốn…”, TS Dũng đề xuất.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mới 230 mã số sầu riêng cho VN. Cụ thể có 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói. Các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã số vùng trồng nhất. Trong đó, Tiền Giang cũng được cấp nhiều mã số cơ sở đóng gói nhất, với tổng cộng 27 mã. Tính đến thời điểm này, VN có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Theo https://thanhnien.vn/sau-rieng-phat-trien-nong-co-dang-lo-18523030312301718.htm#img-lightbox

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *